; ;

Báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam: Cần nỗ lực nhiều hơn để trẻ em được lên tiếng

Sáng ngày 02.06.2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tổ chức công bố Báo cáo Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam. Sự kiện thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do MSD và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển.

Quyền được lắng nghe của trẻ em là một nội dung quan trọng trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em (Điều 12). Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD điều phối triển khai từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2020. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.692 trẻ em Việt Nam từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh/ thành phố thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam, ở cả nông thôn và thành thị, trẻ em ở trong nhà trường và trẻ em ngoài nhà trường, trẻ em người dân tộc Kinh, dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.

Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ. Những kết quả của khảo sát này cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi Quyền Trẻ em ở Việt Nam cũng như cung cấp thông tin cho báo cáo bổ sung gửi cho Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc.

Trong các vấn đề trẻ em muốn bày tỏ ý kiến, việc học tập và trường học là hai nội dung trẻ quan tâm nhất (61,3%), tiếp đến là quyền bình đẳng giới (44,3%), sự an toàn của trẻ tại không gian trẻ sinh sống, học tập (43,4%) và các hoạt động vui chơi cho trẻ em (43,2%).

Ba vấn đề nổi bật mà trẻ em cho rằng Việt Nam cần hành động nhiều hơn để cải thiện và giải quyết là Vấn đề Xâm hại trẻ em, Bắt nạt qua mạng và Trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em.

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD phát biểu: “Người lớn cũng đã từng là trẻ em, nhưng chúng ta thường quên mất trẻ em cũng có những suy nghĩ độc lập, chín chắn, hiểu biết, và có các giải pháp và quyết định rất hiệu quả. Chúng ta đôi khi quên mất việc lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ em, và quên mất trẻ em có thể khởi xướng và đưa ra các sáng kiến, giải pháp vô cùng hiệu quả. Đây là lúc chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường, một hệ sinh thái để trẻ em có thể phát triển toàn diện, phát huy được hết tố chất và tiềm năng của mình.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ: “Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em – Bộ LĐ, TB&XH. Cụ thể, hiện nay Cục Trẻ em đang hoàn thiện việc xây dựng Đề án thúc đẩy quyền tham gia của Trẻ em giai đoạn 2021-2025. Lấy trẻ em làm trung tâm, lắng nghe trẻ em và hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ cần là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của của tất cả các bên liên quan trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em.”

Kết quả của Báo cáo Khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục được chia sẻ tới các bên liên quan tại nhiều tỉnh thành trên cả nước để thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, đảm bảo tiếng nói của trẻ em được lắng nghe. 

Chiến dịch Tiếng nói Trẻ em đã thu hút được hơn 180.000 lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, đã có hơn 40.000 lượt xem sự kiện trực tuyến công bố báo cáo

Truy cập báo cáo tóm tắt tại: http://msdvietnam.org/bao-cao-khao-sat-tieng-noi-tre-em-viet-nam/

Các diễn giả của chương trình (Ảnh: MSD Việt Nam)