GBVNet là một tập hợp tự nguyện của các tổ chức xã hội và cá nhân có cùng mối quan tâm và hoạt động nhằm xóa bỏ bạo lực giới (BLG) và thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) tại Việt Nam.
GBVNet sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ, cá nhân có chung mối quan tâm và giá trị để cùng hành động nhằm xóa bỏ bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Tiền thân của GBVNet là Mạng lưới Phòng, Chống Bạo lực Gia đình Việt Nam (DOVIPNET), được thành lập từ năm 2007. DOVIPNET đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo và vận động cho việc ban hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình đồng thời thực hiện nhiều nghiên cứu và các chương trình can thiệp về bạo lực gia đình. Với thời gian, các thành viên của DOVIPNET không chỉ giới hạn hoạt động trong lĩnh vực bạo lực gia đình, mà còn quan tâm tới việc giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam, thực hiện nhiều chương trình liên quan tới các dạng thức khác nhau của bạo lực giới. Do vậy, các thành viên DOVIPNET đã đồng thuận đổi tên gọi mới của mạng là Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) để phản ánh đầy đủ hơn nội dung hoạt động của các thành viên trong mạng lưới và đáp ứng nhu cầu của thực tế xã hội.
Các thành viên của Ban điều hành mạng GBVNet:
Bà Hoàng Tú Anh - Trưởng mạng GBVNet - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)
Bà Hoàng Tú Anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại Học Y Hà Nội 1987 -1993, Thạc sỹ Quản lý hệ thống y tế, trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, Đại học London 1998 – 2000 và là Nghiên cứu sinh về Nhân học, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan từ năm 2012.
Bác sĩ Hoàng Tú Anh là thành viên Hội đồng sáng lập và Giám đốc điều hành đầu tiên của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Bà hiện là Phó giám đốc Trung tâm. Bà tham gia đào tạo, nghiên cứu, triển khai các chương trình can thiệp về giới, tình dục và HIV và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các nhóm thiểu số như vị thành niên, thanh niên, người vượt qua bạo hành giới, người có HIV, người khuyết tật cùng các nhóm tình dục thiểu số dựa trên cách tiếp cận dựa trên quyền và sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng này. Các nỗ lực của Bà đóng góp nhiều vào hoạt động vận động của CCIHP nói riêng và của xã hội dân sự nói chung trong các chính sách về bình đẳng giới và quyền SKSSTD ở Việt Nam.
Bà Tú Anh là nguyên chủ tịch của Liên Minh quyền tình dục, thành viên ban điều hành Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET), thành viên của SouthEast Asia Consortium on Gender, Sexuality and Health, thành viên ban điều hành Asia-Pacific Research and Resource Center for Women (ARROW) và thành viên ban cố vấn IDAHO.
Hiện nay, bà tập trung nghiên cứu và thúc đẩy các chương trình về phong trào xã hội dân sự, bạo lực trên cơ sở giới sử dụng lý thuyết về định chuẩn dị tính, bạo lực biểu trưng và giám sát.
Tham khảo các ấn phẩm xuất bản của bác sĩ Tú Anh tại: http://aissr.uva.nl/staff/employee-search/item/t.a.hoang.html?f=hoang
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Hà Nội. Bà Hồng có bằng cử nhân Tâm lý học năm 1984 và bằng tiến sĩ Xã hội học 1997. Trước khi thành lập ISDS bà là nghiên cứu viên tại Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1984 đến năm 2000 và chuyên gia về giới tại UNDP Việt Nam từ tháng 3/2000 đến 5/2001. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hòa nhập xã hội. Ts. Khuất Thu Hồng là Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) trong nhiệm kỳ 2017-2020. TS. Hồng còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực và một nhà vận động cho bình đẳng giới. Bà là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình và phát thanh trong nước và quốc tế như VTV, VOV, BBC, NHK, VOA, RFA và thường trả lời phỏng vấn của báo chí về các vấn đề giới và xã hội ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
Nguyễn Vân Anh là một nhà hoạt động xã hội tích cực, Vân Anh đã làm việc trong lĩnh vực thúc đẩy quyền phụ nữ, trẻ em, nhóm người dễ bị tổn thương, nạn nhân của bạo lực và phân biệt đối xử tại Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Bà là Giám đốc của CSAGA một tổ chức NGO Việt Nam, được thành lập từ năm 2001, tập trung vào việc bảo vệ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân buôn bán người, trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục. Tiếng nói của Vân Anh có tác động nhất định tới một số cơ quan của chính phủ, bà thường xuyên được mời trong các cuộc họp quan trọng liên quan đến việc vấn đề bình đẳng giới. Bà đã kết nối rất tốt với các đối tác quốc tế và quốc gia trong việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ. Bà đã dẫn dắt CSAGA trở thành một trong các tổ chức điều phối của Mạng lưới phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (GBVNET) tại Việt Nam. Ngoài ra, bà còn là thành viên hội đồng quản trị của Mạng lưới Nhà tạm lánh dành cho người bạo lực gia đình (GNWS).
Năm 2008 bà được hãng tin của Mỹ Women’s eNews vinh danh là một trong 21 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của thế kỷ 21. Năm 2011 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bầu chọn bà là Gương mặt Alumni tháng 8. Năm 2017, Bà được tạp chí Forbes Vietnam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD
Bà Nguyễn Phương Linh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Chiến lược (theo chương trình học bổng International Student House của nữ hoàng Anh) và nhận nhiều chứng nhận quốc tế như chứng nhận Lãnh đạo cộng đồng của Đại học George Washington – Mỹ, Đại Sứ Toàn Cầu của Vital Voices – Mỹ, Giáo dục về Quyền con người của Equitas - Canada, Mạng công nghệ số có Trách nhiệm của Đại học Lý Quang Diệu - Singapore.
Bà Linh là người đã phát triển Phương pháp ODIC (Phương pháp Phát triển Tổ chức bằng Văn hoá truyền cảm hứng) để nâng cao năng lực cho các tổ chức địa phương và mang tới các chương trình nâng cao năng lực cho hàng trăm tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ở cấp độ quốc gia, bà Linh là người điều phối quốc gia của mạng lưới Quản Trị Quyền Trẻ Em, thành viên Hội đồng GBVNET và chuyên gia tư vấn cho các bộ, ban, ngành chính phủ như Quốc Hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội, bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Khoa học và Công nghệ, v.v… trong các vấn để liên quan tới phát huy sự tham gia, vai trò của các TCXH và doanh nghiệp và bảo vệ Quyền Trẻ em.
Trên cấp độ quốc tế, bà Linh tham gia nhiều mạng lưới toàn cầu và trong khu vực như CPDE, ADA, CAPS, APRN, v.v. Bà Nguyễn Phương Linh luôn được mời với tư cách là đại biểu và chuyên gia tư vấn trong các sự kiện toàn cầu được tổ chức bởi Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế Giới (World Bank), hay các chính phủ có uy tín như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc, v.v.
Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng LIGHT
Bác sỹ Nguyễn Thu Giang là người đồng sáng lập kiêm Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng từ năm 2003 cho đến nay. Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe cho nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương như là người chuyển giới, người đồng giới, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người di cư, người nhiễm HIV... bao gồm bình đẳng giới gắn với quyền con người, quyền được tiếp cận với các dịch vụ thân thiện tại cộng đồng.
Bà Giang là chuyên gia của UN, của Bộ Y tế Việt Nam trong xây dựng các tài liệu về sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới, xây dựng các chính sách và mô hình phù hợp, thân thiện với cộng đồng trong đó nổi bật nhất là mô hình Ngôi nhà tuổi trẻ, mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện cho người lao động di cư, mô hình cung cấp BCS 24h/24h. Hiện nay bà Giang là thành viên Ban điều hành Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) trong nhiệm kỳ 2017-2020; trưởng ban điều hành Mạng lưới hành động vì người lao động di cư (M.net). Thành viên BĐH của mạng lưới Infant & Breastfeeding Food and Nutrition in South East Asia (IBFAN).