; ;

Vì yêu thương nghĩa là không bạo lực

Gần 200 người dân bản Phăng 2 và các bản lân cận ở xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã hào hứng tham gia sự kiện cộng đồng mang tên Yêu thương là không bạo lực. Điểm nhấn của sự kiện là tiểu phẩm do chính bà con dàn dựng và trình diễn, cùng các trò chơi và phần hỏi đáp đi sâu vào các hình thức bạo lực về tinh thần. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao Nhận thức và Tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (SUSO)” do Liên minh Châu Âu tài trợ.

“Sự kiện cộng đồng lần này tập trung vào chủ đề bạo lực tinh thần vì khảo sát đầu kỳ dự án cho thấy rất ít người nhận diện ra hình thức bạo lực này mặc dù nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.” – Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ phụ trách dự án tại tổ chức CARE cho biết.

Với sự hỗ trợ của CARE, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD), nhóm hạt nhân thay đổi – những cá nhân đi tiên phong trong việc giảm bạo lực gia đình trong cộng đồng – đã xây dựng kịch bản cho tiểu phẩm và toàn bộ chương trình với mong muốn lan tỏa nhận thức trong thôn bản mình về bạo lực gia đình. Đồng thời, sự kiện cũng nhằm tạo cơ hội cho thật nhiều người nêu lên suy nghĩ, trăn trở của mình về vấn đề này. Tiểu phẩm lấy chủ đề người chồng cấm đoán người vợ tham gia hoạt động xã hội, khiến cho người vợ không có cơ hội giao lưu, học hỏi. Để cấm đoán người vợ, người chồng đã dùng những câu nói gây tổn thương và để lại một bầu không khí căng thẳng trong gia đình.

“Nếu mà là một người vợ mà đi đâu cũng phải xin phép thì theo tôi, tôi sẽ không đồng ý.”

Đó là ý kiến của một phụ nữ sau khi xem tiểu phẩm. Nhiều người khác cũng đồng tình với chị.

“Tôi là người vợ, tôi thì có một người chồng, đi họp hội, bảo là xin phép vợ nhưng mà lại đi công việc khác, không thành thật với người vợ, xong lại đi về thì lại mắng chửi người vợ. Mà vợ thì ở nhà chăm lo việc nhà, đi làm về muộn, xong cũng phải chăm lo việc con cái, đã không nghe những lời hay mà ông về ông còn chửi mắng, như thế có cảm thấy xấu hổ với mọi người.” – một phụ nữ khác lên tiếng bằng tiếng Thái.

Sự kiện cũng đón nhận rất nhiều ý kiến tích cực từ phía nam giới. Một nam giới chia sẻ sự ủng hộ đối với việc phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội: ”Vợ đi tập văn nghệ, người ta đi thì mình cũng đi theo bạn bè chứ không phải một mình. Chồng thì ở nhà, thì phải biết ở nhà chăm lo”.

“Nói tiếng Thái thôi, ngày xưa ông chỉ học tiếng Thái thôi. Ông bà nội ở nhà đi cày đi bừa thì không đi được rồi, ở nhà thôi. Ở nhà thì thấy con cháu vui vẻ thì cũng rất là vui, nhưng đằng này thì mình là ông bà ở nhà, mà cứ thấy suốt ngày con cái cãi nhau thì ông khuyên các con là, các con là vợ chồng thì không nên cãi vã nhau, xã hội bây giờ công bằng rồi, con trai con gái, phụ nữ nam giới đều có quyền như nhau, có quyền được tham gia các hoạt động hội họp của bản,….” – một người đàn ông lớn tuổi chia sẻ bằng tiếng Thái. Rất nhiều người dân đồng tình rằng không chỉ có đánh đập mới là bạo lực, mà thậm chí chửi mắng, sỉ nhục, cấm đoán tham gia các hoạt động tập huấn, giao lưu cũng là bạo lực.

Đây là một trong 24 thôn tổ chức sự kiện Yêu thương Là Không Bạo lực ngay tại địa bàn thôn của mình từ tháng 5 đến 7-2019. Chuỗi sự kiện này góp phần nâng cao nhận thức của người dân ở bốn xã Mường Phăng, Pá Khoang, Hua Thanh và Thanh Nưa về bạo lực gia đình. Cùng với đó, dự án SUSO do Liên minh châu Âu tài trợ cũng hỗ trợ nâng cao năng lực của các Tổ Hòa giải, để giúp họ lắng nghe và sử dụng các can thiệp thích hợp để giúp đỡ người bị bạo lực.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh trong sự kiện Yêu thương Là Không Bạo lực tại Bản Phăng 2 những ngày cuối tháng 5 vừa qua.

Người dân sáng tạo lời thoại cho các nhân vật, để can thiệp vào những hành vi bạo lực trong tiểu phẩm

Ai làm thơ thì làm thơ, ai giỏi vẽ thì vẽ,… Mỗi người một cách thể hiện sự phản đối của mình đối với các hành vi bạo lực tinh thần