; ;

Không gian trải nghiệm “You can talk to me”

Bạo lực trên cơ sở giới có thể diễn ra mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp bất kể địa vị hay thu nhập. Chuyện đổ lỗi cho nạn nhân cũng có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào”. Chính vì vậy, với mong muốn nâng cao nhận thức xã hội, Không gian trải nghiệm “You can talk to me” – “Có mình ở đây” được tổ chức nhằm mang đến những góc nhìn đa diện về vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân thông qua nghệ thuật. Không gian trải nghiệm “You can talk to me” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và nhóm S.O.S – Sharing our stories phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Australian Aid).

Không gian trải nghiệm “You can talk to me” bao gồm 9 tác phẩm của 7 nghệ sĩ trẻ và nhóm hoạt động cộng đồng S.O.S – Sharing our stories. Các tác phẩm đa dạng về thông điệp và phương tiện biểu đạt từ hội họa, nghệ thuật sắp đặt cho đến nghệ thuật trình diễn và công nghệ thực tế ảo.

“You can talk to me” thể hiện trọng tâm của Dự án Tăng cường nhận thức nhằm chấm dứt bạo lực giới (BRAVE) là tập trung hỗ trợ quá trình hồi phục của những nạn nhân của bạo lực giới, hướng đến tạo ra một cộng đồng những người lắng nghe đáng tin cậy được trang bị các kĩ năng phù hợp và hiểu biết đầy đủ để tương tác và hoạt động như một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cho nạn nhân của bạo lực giới. 

“Những mẩu thoại ngắn, nhỏ, nhưng mình hình dung được câu chuyện. Nó thật buồn, đau đớn, có thể là khủng khiếp. Mình nghĩ có thể sẽ chia phần nào những cảm xúc đó, vì mình cũng đã từng. Mình từng thấy tệ hại và không cảm xúc. Nhưng những mẩu chuyện này, đến từ góc nhìn của người nhà nạn nhân, một phần trong mình nghĩ lại, mình thấy nhẹ nhõm. Có thể vì mình biết người nhà của nạn nhân đã đồng hành, lo lắng cho họ thế nào. Mình nghĩ điều tồi tệ nhất là bị cả gia đình quay lưng, ruồng rẫy. Ba của một bạn đã nói rằng ông ấy quá bối rối và trách con mình sao lại để người ta làm thế. Ít ra bác ấy đã thành thật và thừa nhận. Có lẽ bên cạnh việc phục hồi cho nạn nhân, chúng ta cũng nên tìm cách để phục hồi cho người nhà nạn nhân chăng?

Dù sao thì mình hi vọng các bạn có thể vượt qua. Bạn có thể sợ hãi và buồn bã khi vô tình nhớ về nó (như mình) nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc và bước tiếp.

Hình ảnh các bạn làm rất đẹp, nó nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, nó để người xem có thể hình dung về điều đó một cách dễ dàng hơn.”

Một số hình ảnh trong triển lãm:

Trình diễn tương tác “Bạn có thể kể tôi nghe bí mật của bạn” của nghệ sĩ Lê Phương Nhi

Tác phẩm “Nghe con nói” của nhóm nghệ sĩ Nhóm 101

Tác phẩm “Phía sau trống rỗng” của nghệ sĩ Lucy Howson

Tác phẩm “Đồng phạm thơ ngây” của hai nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Vũ x Nguyễn Hoàng Xuân Thi

Tác phẩm “Tại sao tôi không khai báo” của nghệ sĩ Jo Ngo